Người Hà Nhì trên đỉnh Nhìu Cồ San

Y Tý, vùng đất bốn mùa mây phủ nằm bên dãy Nhìu Cồ San hùng vĩ. Đến đây, du khách sẽ có dịp được đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và được khám phá vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của bản làng với những ngôi nhà trình tường độc đáo và cuộc sống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của Người Hà Nhì.

Truyền thuyết kể lại, người Hà Nhì đã trải qua các cuộc thiên di trong lịch sử để có mặt ở Y Tý (Bát Xát) từ vài trăm năm trước. Họ tự nhận mình có nguồn gốc từ bộ tộc mang tên "Để Khương" ở vùng sông Hát Xa (VânNam - Trung Quốc). Đồng bào Hà Nhì thường kể về quê hương cũ của mình, nơi đó có con sông Hát Xa chảy giữa và tạo nên những cánh đồng rộng lớn. Vùng đất đó đã đi vào tâm thức dân gian của họ và trở thành bài ca "Hà Nhì Mí Chạ" (bài hát ca ngợi vùng đất tổ của người Hà Nhì).

Tương truyền, vùng Hát Xa trước đây là một vùng giàu có, trù phú, nhưng có một thời gian mảnh đất ven sông Hát Xa đã bị hạn hán khiến ruộng đồng trở nên cằn cỗi. Người Hà Nhì ở đây không thể cày cấy sinh sống như xưa nữa, họ đã phải đi tìm nơi đất mới để sinh nhai. Một trong những nơi người Hà Nhì tìm đến là vùng núi thuộc xã Y Tý và xã A Mú Sung (Bát Xát). Cho đến nay, người Hà Nhì ở Y Tý có 12 dòng họ đều chung một ông tổ Ly Ngô, đó là các dòng họ Sào, họ Cáo, họ Sần, họ Tráng, họ Chu, họ Vũ, họ Dồ, họ Sáng, họ Có, họ Khoàng...

Cư trú chủ yếu trên vùng núi cao nên người Hà Nhì rất giỏi canh tác trên đất dốc, có nhiều kinh nghiệm đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng bậc thang và nhiều phong tục, tập quán rất đặc sắc. Mặc dù không có chữ viết, nhưng người Hà Nhì lại có bộ lịch riêng cho mình.

Trình tường nhà.

Điều khiến những ai mới đến Y Tý lần đầu đều rất ngạc nhiên, đó là bản người Hà Nhì với những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo không giống bất kỳ một dân tộc nào ở Việt Nam. Đứng từ trên cao nhìn xuống, hàng trăm nóc nhà người Hà Nhì như những cây nấm khổng lồ với tính thống nhất về mặt kiến trúc, bởi các ngôi nhà trong thôn đều giống nhau từ hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng và cả cách bài trí ngôi nhà.

Nhà của người Hà Nhì được làm theo kiểu trình tường bằng đất. Nhà thường đắp tường dày từ 40cm đến 45cm, trong lõi có xếp đá bằng nắm tay, cao khoảng 4,5 - 5m. Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động từ 60 - 70m2, có 4 mái dốc ngắn lợp bằng cỏ gianh hoặc ngói âm dương, không có hiên. Ngôi nhà có duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa và thêm một hai cửa phụ thông gió ở hai bên cửa chính nhưng nằm trên cao. Trong nhà đều làm gác xép.

Trong bản người Hà Nhì, tất cả các ngôi nhà đều được làm giống nhau theo mẫu nhà chung, nên không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn giữa nhà nọ với nhà kia. Người Hà Nhì bao giờ cũng cư trú gần nguồn nước để vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu, vừa tận dụng sức nước để đặt các cối giã gạo.

Bản người Hà Nhì.

Do đặc điểm địa hình nơi người Hà Nhì sinh sống và tập quán sản xuất riêng, nên họ có rất nhiều nét văn hóa đặc trưng từ đời sống tâm linh, đến những tập tục sinh hoạt hàng ngày.

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì ở Y Tý thường là màu chàm đen. Quần áo của đàn ông thường chỉ có một màu, cúc cài trước ngực. Y phục của phụ nữ áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau cắt lượn hình tam giác cân. Ngoài ra, phụ nữ Hà Nhì còn đội chiếc khăn vải được trang trí bằng các đồng xu nhôm, có làm quả bông bằng các loại chỉ màu, làm tua rua đầu quả bông. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của trang phục người Hà Nhì là chiếc mũ đội đầu. Đối với phụ nữ Hà Nhì, những chiếc mũ được tết bằng đuôi ngựa chạy ngang trên trán tạo thành một đoạn tóc giả trang trí rất bắt mắt. Còn mũ trẻ em thường có màu chàm, hình trụ thấp, mặt trên xẻ múi nhưng khá bằng phẳng và có đính nhiều đồng bạc trắng. Đồng bạc này thể hiện cho ước muốn giàu sang, no đủ và có tác dụng tránh gió độc, đồng thời làm cho em bé trông càng ngộ nghĩnh, xinh xắn hơn...

Những nét sinh hoạt văn hóa riêng của người Hà Nhì ở Ý Tý đều có từ lâu đời và bắt nguồn từ những phong tục cổ truyền từ thời ở quê cũ vùng Hát Xa, điều này đã tạo thành bản sắc riêng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.

Phạm Vũ Sơn (Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...