Mơ em chợ tình Sa Pa

“Tan trong sương đêm một tiếng khèn. Tan trong sương đêm trăng ngẩn ngơ. Rượu táo mèo chuếnh choáng nhặt thơ đá. Trăm năm ngả nghiêng, nghiêng tiếng khèn chuếnh choáng, nghiêng đồi núi…mơ em. Mơ em chợ tình Sa Pa…”. Tưởng như phiên chợ tình chỉ có trong bài hát Mơ em chợ tình Sa Pa của nhạc sỹ Lê Minh Sơn, nhưng giờ đây lên Sa Pa, những phiên chợ tình được tái hiện chân thực, sinh động để du khách có thể tham gia, trải nghiệm.
Du khách và người dân hòa mình trong điệu múa quanh lửa trại.

Sa Pa - nơi không chỉ có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, mà còn có một mùa đặc biệt, đó là “mùa con trai hát gọi con gái” - mùa của hẹn hò, yêu thương. Từ xa xưa, những phiên chợ tình đã trở thành cầu nối cho bao cặp nam thanh nữ tú vùng cao, cũng là bến đợi của biết bao đôi lứa yêu nhau, nhưng không đến được với nhau. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế thị trường, chợ tình dần mất đi bản sắc. Để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của chợ tình xưa và giúp du khách hiểu rõ hơn giá trị văn hóa của chợ tình, từ cuối năm 2020, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai thử nghiệm tái hiện “Chợ tình Sa Pa”. Năm 2021, “Chợ tình Sa Pa” tiếp tục được tái hiện tại Nhà du lịch Sa Pa (số 02 Fansipan, thị xã Sa Pa) trong không gian độc đáo, các chương trình nghệ thuật đặc sắc tô điểm thêm sự lãng mạn của những câu chuyện tình yêu sau mỗi phiên chợ.

Giờ đây, ngoài chợ tình do Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh tổ chức, đến Sa Pa, du khách còn được hòa mình vào không gian chợ tình được tái hiện tại khu check - in Green Farm (số 058 đường Violet). Hoạt động này diễn ra 2 tuần 1 lần vào tối thứ 7. Bên cạnh đó, tùy vào nhu cầu của các đoàn khách, Green Farm có thể tổ chức bổ sung một số buổi tối trong tuần. “Chợ tình Sa Pa” có các hoạt động chính như đi chợ phiên, nơi tình yêu bắt đầu, hò hẹn, kéo vợ, khám phá ẩm thực vùng cao... cùng các hoạt động giao lưu múa sạp và đốt lửa trại. Đặt chân đến chợ tình, du khách được hòa mình vào nhịp điệu của tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi của những đôi trai gái hẹn ước. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của những chú ngựa thồ đồng hành với những đôi trai gái từ những bản, làng xa xôi đến chợ tình.

Green Farm tạo không gian để người dân bán hàng.

Đến chợ tình ở Green Farm, từ xa, du khách đã có thể nghe thấy tiếng khèn, tiếng nhạc. Nơi đây giống như một lễ hội truyền thống thực thụ, những chàng trai bản thổi khèn xoay vòng quanh. Các cô gái diện áo váy sặc sỡ, chân đeo lục lạc, cầm ô nhảy múa theo điệu nhạc đung đưa. Người xem là du khách vây xung quanh tạo thành vòng tròn. Tại chợ tình, du khách được chứng kiến hình ảnh các chàng trai, cô gái bắt đầu làm quen, hẹn hò, tìm hiểu bằng tiếng khèn khi trầm khi bổng, hòa quyện với tiếng đàn môi réo rắt gọi mời. Thông qua tiếng sáo, tiếng khèn, các chàng trai có cơ hội thổ lộ tình cảm với các cô gái. Khi đã cảm mến, họ trao nhau những ánh mắt lúng liếng, cái nhìn tình tứ. Cứ tự nhiên như vậy, tình yêu của các đôi trai gái nảy nở từ những phiên chợ.

Say sưa trong những điệu khèn, thêm một chút chuếnh choáng của men rượu vùng cao, anh Nguyễn Anh Duy, du khách đến từ Hải Phòng tâm sự: Thật tuyệt vời! Đây là phiên chợ đặc biệt, tôi đã khám phá được nhiều điều thú vị từ phiên chợ này, bản sắc, trang phục, các điệu múa và ẩm thực của bà con vùng cao đều được tái hiện một cách dung dị. Chúng tôi không phải di chuyển xa, chỉ trong khuôn viên này, chỉ một đêm đã có vô vàn điều để khám phá.

Khu check - in Green Farm còn dành không gian để người dân bản địa trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm truyền thống. Tại đây, người dân có nhu cầu có thể đăng ký tham gia bán hàng. Người dân cam kết bán hàng giá hợp lý, không “chặt chém”, chèo kéo du khách. Các sản phẩm bán tại Green Farm chủ yếu là đồ thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như quà lưu niệm bằng thổ cẩm, rượu thóc, mật ong, rau sạch, thuốc tắm của người Dao đỏ, tinh dầu thảo quả… Ngồi một góc tại phiên chợ tình bày bán các mặt hàng thổ cẩm, chị Tả Mẩy bộc bạch: Trước kia, tôi cùng con gái bán hàng tại khu nhà thờ đá. Khi thấy du khách, chúng tôi sẽ đi theo để mời mua hàng. Từ khi Green Farm tái hiện chợ tình, tôi được giao một vị trí cố định, không phải đi lại, nhưng vẫn gặp gỡ được nhiều khách du lịch.

Anh Nguyễn Hiếu, đại diện truyền thông của Green Farm cho biết: Green Farm là một trong những đơn vị tiên phong tại Sa Pa tổ chức hoạt động tái hiện chợ tình. Đơn vị mới tổ chức hoạt động này trong năm 2022, nhưng mỗi đêm thu hút khoảng 200 du khách. Từ khi hoạt động du lịch bắt đầu nhộn nhịp trở lại, lượng khách đến Sa Pa ngày càng đông, khu check - in Green Farm tổ chức tái hiện chợ tình nhằm tạo thêm không gian du lịch cho du khách; góp phần phát huy thế mạnh về di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số và tăng nguồn thu cho chính họ, đồng thời hạn chế được tình trạng người dân địa phương chèo kéo du khách.

Mỗi phiên chợ tình được tái hiện kéo dài đến khoảng 21 giờ cùng ngày. Phiên chợ tình kết thúc khi sương đêm rơi dày, lửa trại cũng dần tắt, bà con bắt đầu dọn hàng, những chú ngựa thồ quay về bản, du khách trở về phòng nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình khám phá Sa Pa vào ngày mới.

https://baolaocai.vn/bai-viet/357477-mo-em-cho-tinh-sa-pa

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...