Liên hợp quốc kêu gọi hành động để xây dựng một tương lai bền vững

Nhân Ngày quốc tế Mẹ Trái đất được kỷ niệm vào ngày 22/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã một lần nữa nhấn mạnh rằng mỗi năm, ngày này là dịp để cùng xem xét về mối quan hệ của chúng ta với hành tinh mà chúng ta đang sống.
 

 
Ngày quốc tế Mẹ Trái đất là dịp để cùng xem xét về mối quan hệ của chúng ta
với hành tinh mà chúng ta đang sống.

Trong thông điệp nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ: “Không khí chúng ta đang thở, nguồn nước chúng ta đang uống và đất đai đang nuôi dưỡng chúng ta là một phần của hệ sinh thái phức tạp toàn cầu và hoạt động sống của con người đang ngày càng gây áp lực lên chúng. Từ nạn phá rừng nhiệt đới cho đến khai thác cạn kiệt nguồn thủy sản biển, từ việc gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt cho đến sự suy giảm nhanh chóng của hệ thống sinh học đa dạng, từ tình trạng ô nhiễm không khí cho đến ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có thể thấy những tác động nguy hại của nhân loại”. "Cùng với sự gia tăng dân số, rõ ràng tốc độ chúng ta tiêu thụ tài nguyên của thế giới là không bền vững trong dài hạn. Chúng ta cần một sự thay đổi ở quy mô toàn cầu liên quan đến thái độ và các hành động của mọi người", ông Ban lưu ý.

Đối với người đứng đầu Liên hợp quốc, điều đặc biệt cấp bách là tập trung vào cách thức mà chúng ta sản xuất năng lượng vốn là động lực cho các tiến bộ của chúng ta. Quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa ngày càng nghiêm trọng sự thịnh vượng và ổn định trong tất cả các khu vực trên thế giới. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý vào năm 2015.

"Cuộc chiến chống lại các tác động của biến đổi khí hậu cho chúng ta nhiều cơ hội để chuyển đổi căn bản mối quan hệ của chúng ta với Mẹ Trái đất và cải thiện sự thịnh vượng của nhân loại, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất", Tổng Thư ký nhấn mạnh thêm.

Một ngành nông nghiệp hiệu quả hơn và các biện pháp giúp thành phố tiết kiệm năng lượng hơn, các nguồn tài nguyên rừng được quản lý và bảo vệ tốt hơn, năng lượng bền vững,… tất cả những điều này sẽ có khả năng cung cấp cho hàng tỷ người một sức khỏe tốt hơn, thịnh vượng hơn và nhiều cơ hội lớn hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết: “Để có thể triển khai một hành động đầy tham vọng và biến đây thành một động lực thúc đẩy cho một hiệp ước khí hậu mới vào năm 2015, tôi đang triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại New York vào ngày 23/9 năm nay. Tôi mời lãnh đạo các nước và các Chính phủ cùng với khu vực tư nhân và lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự giới thiệu các sáng kiến của mình cũng như liên minh với nhau cùng hành động để khởi động các hoạt động đảm bảo cho một tương lai bền vững”.

Nhân Ngày quốc tế Mẹ Trái đất năm nay, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng lên tiếng kêu gọi tất cả mọi người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới cùng đưa ra tiếng nói của chính mình. Hãy lên tiếng thay mặt cho hành tinh của chúng ta bởi đó chính là ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta. Hãy cùng nhau bảo vệ Mẹ trái đất để trái đất có thể tiếp tục chăm sóc cho chúng ta như đã làm trong suốt nhiều thiên niên kỷ qua.

Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc John Ashe cũng lên tiếng kêu gọi các chính phủ thành viên, xã hội dân sự và các bên liên quan khác cùng đáp ứng lời kêu gọi trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2009 nhằm tăng cường đầu tư vào các công nghệ bền vững và thúc đẩy việc bảo vệ các hệ sinh thái thông qua những chính sách môi trường đầy tham vọng. "Trong khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến phát triển bền vững, sự hiểu biết của chúng ta về các nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của các thế hệ tương lai phải dựa trên những kiến ​​thức khoa học tiên tiến. Chiến lược toàn cầu của chúng ta là thúc đẩy một đạo đức môi trường và nhấn mạnh vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nhân loại và thiên nhiên", ông John Ashe nhấn mạnh./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, lãnh đạo các Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các Đảng đối tác, các tổ chức quốc tế đã gửi các điện/thư chia buồn đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Với việc nhiệt độ trung bình thế giới tháng 6 vừa qua đã phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại, các nhà khí tượng học cho rằng, năm 2024 sẽ có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân...

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...